CÁCH CHUYÊN GIA DẠY CON CẢNH GIÁC VỚI CÔNG NGHỆ
07/ 10/ 2019 17:00:18 0 Bình luận
Ngày nay, rất nhiều cha mẹ lo lắng về thời gian con mình tiếp xúc với thiết bị công nghệ : TV, iPad, điện thoại thông minh, các thiết bị màn hình chạm… Lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở, bởi vì chưa có thế hệ nào lớn lên với nhiều thiết bị công nghệ bủa vây như thế hệ con em chúng ta hiện nay. Đây là một mảng nghiên cứu mới được lưu tâm và còn nhiều tranh cãi : liệu trẻ em có lớn lên bình thường trong thời đại công nghệ không?
Trong lúc chưa có câu trả lời chắc chắn thì hãy tìm hiểu xem các chuyên gia, là những người nghiên cứu thực tiễn về vấn đề này, họ đang dạy con về việc sử dụng các thiết bị công nghệ như thế nào nhé.
Bài phỏng vấn này được thực hiện bởi bà Anya Kamenez, tác giả cuốn “The art of screen time – How your family can balance digital media & real life” (Tạm dịch : Nghệ thuật quản lý thời gian dùng màn hình – Cách để gia đình bạn cân bằng giữa thiết bị công nghệ và cuộc sống thật). Bà đã đến gặp nhiều chuyên gia để hỏi xem họ có đặt ra quy định dùng màn hình ở nhà cho bọn trẻ không ?
Điều thú vị mà bà khám phá ra là : không ai trong số họ tuyệt đối không dùng, hoặc không cho con cái dùng thiết bị điện tử tại nhà. Tuy nhiên, họ có những nguyên tắc, và các nguyên tắc này thống nhất với những gì họ khuyến cáo chung cho cộng đồng, không có ngoại lệ.
Tiến sĩ Jenny Radesky, Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ
Người đầu tiên mà bà đến gõ cửa là Tiến sĩ Jenny Radesky, một trong số người dẫn đầu chuyên trang “Guidelines on media and children” (Tạm dịch: Hướng dẫn về công nghệ số cho trẻ nhỏ), mới được thành lập của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics). TS. Radesky cũng là mẹ của hai bé trai.
Radesky cho biết, mặc dù hoài nghi về ảnh hưởng của thiết bị điện tử lên não bộ của trẻ nhỏ, bà không theo hướng bài trừ công nghệ khỏi ngôi nhà hiện tại. Radesky và chồng của bà đều lớn lên được xem “khá nhiều TV và chơi điện tử” (các video games trên TV thời xưa). Hiện nay thì gia đình có một chiếc TV màn hình lớn và mỗi người có một chiếc điện thoại thông minh. Radesky còn là một bác sĩ, do đó bà tự nhận rằng mình rất “lệ thuộc” vào điện thoại : “Tôi trực cả vào ngày nghỉ và luôn phải sẵn sàng làm việc khi có cuộc gọi gấp. Trong khi đó chồng tôi có thể làm tốt hơn, anh ấy luôn để điện thoại trên bàn bếp và hiếm khi động đến trừ khi chuông reo”.
Với hai con trai của mình, Radesky đặt ra quy tắc “không thiết bị công nghệ trong tuần”, bà cũng tắt hết các thiết bị vào mỗi bữa ăn và trước giờ đi ngủ. “Chúng tôi có tối thứ 6 hàng tuần xem phim cùng nhau” – đây cũng là giải pháp được nhắc đến trong nghiên cứu của bà: cha mẹ cùng tham gia với con khi xem màn hình (giải pháp “joint media engagement” hay “sharing screen time”).
Vào cuối tuần, trẻ con được xem hoạt hình và chơi điện tử. Tuy nhiên, Radesky không chỉ giới hạn về thời gian chơi của các con, mà còn “giúp con trai lớn của tôi ý thức được cách đúng đắn để tương tác với trò chơi điện tử, và hiểu về cách mà trò chơi điện tử đang cố gắng tương tác lại với chúng. Ví dụ, khi chơi trò đào vàng (Minecraft), tôi tìm cách giải thích vì sao trò chơi đó liên tục hỏi con mua thứ gì đó onlin, rất dễ là con sẽ mua nó mà không suy nghĩ”.
Bà Lauren Hale – Đại học Stony Brook, New York
Là một chuyên gia dành hơn một thập kỉ nghiên cứu về giấc ngủ, Lauren Hale – Đại học Stony Brook, New York cho biết tóm tắt những nghiên cứu của mình : “Khi chúng ta xem màn hình trước khi đi ngủ, bao gồm cả trẻ em, giấc ngủ chắc chắn sẽ bị trì hoãn so với khi không xem màn hình. Các tác động bao gồm bị khó vào giấc ngủ, giấc ngủ không sâu và tổng thời gian ngủ bị giảm đi”.
Lauren cũng là mẹ của hai con nhỏ. Ở nhà, bà khá nghiêm khắc với quy định của mình là “Không xem màn hình một tiếng trước khi đi ngủ. Không có màn hình trong phòng ngủ”. Nhờ vậy cả gia đình đã tập được thói quen đi ngủ mà không xem màn hình. Bà kể rằng cậu con trai khi lên 4 tuổi đã hiểu và nói với bà ngoại của cậu rằng “Bà đừng xem TV trước giờ đi ngủ vì việc đó giống như nói với não của bà rằng : chưa đến giờ ngủ đâu, hãy cứ thức đi”.
Bác sĩ Tom Warshawski, Childhood Obesity Foundation, Canada
Bác sĩ nhi Tom Warshawski, sáng lập một tổ chức về bệnh béo phì ở trẻ em (Childhood Obesity Foundation, Canada) luôn khuyên cha mẹ hãy giảm thời gian xem màn hình của con mình. Vợ của Tom cũng là bác sĩ. Họ phân chia nhau để luôn có một người ở nhà khi hai con của họ còn nhỏ.
Bác sĩ Warshawski có công thức đặc biệt : 5-2-1-0. Có nghĩa là một ngày bao gồm 5 khẩu phần rau quả + không nhiều hơn 2 tiếng xem màn hình + ít nhất 1 tiếng hoạt động thể chất + 0 nước uống có đường. Công thức này dành chung cho trẻ, không chỉ là trẻ có nguy cơ béo phì.
Ở nhà, chúng tôi giới hạn tổng thời gian xem TV là 1 tiếng/ 1 ngày cho hai đứa trẻ, và chúng chỉ được xem khi đã làm xong các việc khác. Chúng tôi đặc biệt nghiêm cấm video game. Ban đầu con trai tôi phản đối quy tắc này rất dữ dội, nhưng sau đó chàng ta chấp nhận, cuối cùng thì quay lại cảm ơn bố mẹ vì điều đó.
Ngài Douglas Gentile, Đại học Bang Iowa, Mỹ
Việc có hai cô con gái cũng không làm ông bố Douglas Gentile bớt lo lắng về bạo lực trên truyền thông. Douglas Gentile còn là nhà nghiên cứu về mối liên quan giữa phim ảnh trên TV với nạn bạo lực trong xã hội tại Đại học Bang Iowa, Mỹ. Hai con gái của Douglas phải tuyệt đối tuân theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ : nhiều nhất là 1 giờ xem màn hình khi học cấp I, 2 giờ khi trên cấp I.
Ông bố nghiêm khắc này còn nhấn mạnh thêm: “Không chỉ thời lượng xem mà còn phải chú ý đến cả nội dung mà trẻ xem”. Để quyết định một chương trình nào đó có phù hợp cho các con gái mình xem hay không, Douglas sẽ không dựa vào lượt đánh giá (ratings) mà ông sẽ tự mình xem nó trước. Ví dụ, hai con gái Douglas đều là “fan” của bộ truyện Harry Potter, nhưng để xem bộ phim này trên truyền hình, họ phải chờ cho đến khi có bản video đặc biệt, tức là đã lược bỏ hết các cảnh không phù hợp.
Thuỳ Vân dịch. Theo National Public Radio.