Cảm thụ nghệ thuật
Cảm thụ nghệ thuật: Truyền cảm hứng sáng tạo cho trẻ
Nghệ thuật chính là chiếc cầu nối giúp con người đi đến thế giới của cái đẹp, của tình yêu và lòng nhân hậu. Vì vậy, việc đưa cảm thụ nghệ thuật vào chương trình học của trẻ mầm non là rất cần thiết. Cảm thụ nghệ thuật chính là hình thức truyền cảm hứng sáng tạo cho trẻ và giúp trẻ có những góc nhìn mới mẻ, thú vị về thế giới đa màu sắc và có sự hiểu biết về nghề thuật, từ đó trẻ được mở rộng tư duy và định hướng phát triển nhân cách toàn diện.
Ðã có không ít các nghiên cứu khoa học chứng minh những ích lợi khi mang trẻ đến với nghệ thuật. Các nhà giáo dục cho rằng, văn chương - nghệ thuật không chỉ kiến tạo cho trẻ một nền tảng về hệ mỹ học với khả năng cảm thụ và trân trọng những cái đẹp vật thể và tinh thần, mà sẽ giúp trẻ phát triển sự tự tin, trí tuệ và sáng tạo.
Đồng thời, cảm thụ nghệ thuật sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội và kỹ năng giao tiếp, khả năng tự diễn đạt về con người và tính cách của bản thân khi được tham gia các hoạt động trong cộng đồng. Thông qua đó, tạo cho trẻ những phẩm chất tốt, tích cực trong việc mở rộng các mối quan hệ, biết cảm thông với mọi người xung quanh.
Nhà văn đương thời người Anh Philip Pullman từng chia sẻ: “Trẻ nhỏ cần nghệ thuật, văn chương, thi ca và âm nhạc nhiều như các em cần tình thương, khí trời trong lành và chơi đùa”. Hiểu được giá trị cũng như những lợi ích quan trọng trên, Hệ thống trường Mầm non Song ngữ E-Life đã đưa hoạt động cảm thụ nghệ thuật vào chương trình giáo dục chính khóa thông qua nhiều hình thức truyền đạt khác nhau.
Tại E-Life Kindergarten, hoạt động cảm thụ nghệ thuật không chỉ đơn thuần là những tiết học với bài giảng khô cứng, mà đó sẽ là thời gian trẻ được thưởng thức những tác phẩm của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Ví dụ như: trẻ sẽ được chiêm ngưỡng các tác phẩm hội họa nổi tiếng; lắng nghe những bản nhạc bất hủ; xem những thước phim về hành trình sáng tạo nghệ thuật; tìm hiểu về cuộc đời nghệ sĩ, về trường phái nghệ thuật, kĩ thuật sáng tác… Từ đó, tạo cảm hứng cho trẻ khám phá, tìm hiểu thế giới nghệ thuật qua các hoạt động trải nghiệm như: trải nghiệm sử dụng kỹ thuật “nằm vẽ” của danh họa Michelangelo, khi ông sáng tạo nên những kiệt tác trên trần của các nhà thờ; trải nghiệm kỹ thuật vẽ tranh đơn sắc (một màu) của danh họa Pablo Picasso: trẻ sẽ chọn một màu chủ đạo, cho vào một vài chiếc lọ, sau đó thêm những màu khác để tạo ra các sắc độ khác nhau của màu sắc đã chọn. Sau khi trộn xong trẻ có thể dùng các màu đã trộn để vẽ theo ý muốn.
Kiệt tác trên trần nhà thờ Sistine của Michelangelo
Hoạt động trải nghiệm sử dụng kỹ thuật “nằm vẽ” của danh họa Michelangelo
Bức tranh The Old Guitarist của Danh họa Pablo Picasso (kỹ thuật vẽ tranh đơn sắc)
E-Life Kindergarten luôn đề cao việc tôn trọng suy nghĩ, hành động của trẻ. Giáo viên thay vì tổ chức hoạt động theo các nội dung đã đề ra, thì chính các cô sẽ là người quan sát, kích thích sự sáng tạo của mỗi trẻ. Bất kỳ sản phẩm nào do trẻ tạo ra đều sẽ được ghi nhận, cho dù đó là những sản phẩm có sự thể hiện khác biệt.
Bên cạnh hình thức truyền đạt trên, E-Life Kindergarten còn tổ chức các buổi tham quan bảo tàng; triển lãm nghệ thuật… để trẻ trực tiếp được nhìn, nghe, được tiếp xúc với nhiều tác phẩm nghệ thuật. Đó chính là những hoạt động trải nghiệm vô cùng hấp dẫn đối với trẻ. Không chỉ vậy, trong chương trình cảm thụ nghệ thuật, E-Life Kindergarten còn mời những nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật đến gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp cùng với trẻ, từ đó giúp cảm hứng sáng tạo và năng khiếu nghệ thuật của trẻ được thắp sáng.
Đặc biệt, các bạn nhỏ theo học tại E-Life Kindergarten sẽ được tham gia các câu lạc bộ nghệ thuật như: đàn Piano; Mỹ thuật.... Với những chương trình này, đội ngũ giáo viên tại E-Life Kindergarten sẽ là người phát hiện ra những năng khiếu sẵn có trong mỗi trẻ rồi từ đó kích thích, bồi dưỡng để trẻ phát huy tối đa sở thích, năng khiếu của bản thân. Cũng chính từ những đánh giá đó, giáo viên sẽ trao đổi với phụ huynh của trẻ, phối hợp cùng phụ huynh để bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho trẻ.
Việc cho trẻ tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật luôn mang lại những giá trị to lớn. Bởi trẻ được nhìn ngắm, lắng nghe, cảm nhận và hiểu theo cách riêng của mình. Tâm hồn, cảm xúc và thẩm mỹ của trẻ sẽ được phát triển theo chiều hướng tích cực. Những hoạt động thiết thực đó tạo môi trường để trẻ phát triển trí tuệ và đặt nền móng xây dựng nhân cách cho trẻ trong những năm đầu đời.